06/05/2021 15:44        

GIỚI THIỆU KHOA CHÂM CỨU – DƯỠNG SINH

GIỚI THIỆU KHOA CHÂM CỨU – DƯỠNG SINH

 

- Tên tiếng Việt:  Khoa Châm cứu – Dưỡng sinh (CCDS)

- Tên tiếng Anh: Acupencture and Nourishing Department

- Khoa được thành lập từ năm 1995, hiện tọa lạc tại tầng trệt khu A Bệnh viện.

 

I. TỔ CHỨC KHOA

- Số giường kế hoạch được giao của khoa năm 2021 là 100 giường điều trị nội trú ban ngày và điều trị ngoại trú, tuy nhiên số lượng người bệnh thực tế luôn dao động ở 80 - hơn 100 người và khoảng hơn 150-200 người kết hợp của các khoa khác.

- Khoa CCDS là một tập thể đoàn kết với đội ngũ Bác sĩ, Điều dưỡng, Y sĩ YHCT được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn. Tính đến tháng 4/2021 khoa CCDS có 13 nhân lực, trong đó:

+ Bác sĩ YHCT: 4

+ Điều dưỡng: 3

+ Y sĩ YHCT: 6

                   SƠ ĐỒ TỔ CHỨC NHÂN SỰ

II. CHỨC NĂNG – NHIỆM VỤ

1. Chức năng

- Khoa CCDS là khoa lâm sàng có chức năng thực hiện thu dung khám và điều trị nội trú ban ngày, ngoại trú bằng phương pháp Y học cổ truyền, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện.

2. Nhiệm vụ

- Khám và điều trị nội trú ban ngày, ngoại trú, kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại các bệnh lý cơ xương khớp, thần kinh,... nhưng chủ yếu bằng phương pháp Châm cứu và Y học cổ truyền, hạn chế dùng thuốc, không phẫu thuật;

- Điều trị kết hợp người bệnh của khoa Vật lý – Phục hồi chức năng, kết hợp Laser châm người bệnh các khoa lâm sàng khác;

- Phối hợp với khoa Xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh, các chuyên khoa khác để hỗ trợ điều trị người bệnh được tốt nhất;

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người bệnh đang điều trị tại khoa, hướng dẫn người bệnh phòng bệnh, phòng ngừa biến chứng…

- Quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả máy móc, thiết bị được trang bị;

- Là cơ sở đào tạo thực hành cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành y và các cơ sở giáo dục đào tạo hợp pháp khác;

- Hợp tác quốc tế;

- Tham gia hội chẩn toàn viện, liên viện khi có yêu cầu;

- Thực hiện nghiên cứu khoa học;

- Ứng dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới về khám bệnh, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền không dùng thuốc;

- Tổ chức công tác hành chính khoa, lưu giữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định;

- Thực hiện các chế độ, quy chế công tác chuyên môn theo quy định.

III. MỘT SỐ KỸ THUẬT, HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN NỔI BẬT

- Đội ngũ cán bộ viên chức trong khoa luôn làm việc với tinh thần đoàn kết, nhiệt tình và trách nhiệm, tận tụy nhằm giúp dịu đi sự đau đớn, mang lại nụ cười cho người bệnh.

- Tiếp tục phát huy thế mạnh điều trị của các phương pháp Y học cổ truyền không dùng thuốc an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường kết hợp Y học cổ truyền - Y học hiện đại tại khoa và với các khoa khác nhằm mục đích điều trị đạt hiệu quả cao, không ngừng nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh.

1. Các phương pháp châm cứu thường dùng

Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh độc đáo trong Y học cổ truyền, là tên gọi chung của hai phương pháp Châm và Cứu, nhưng ngày nay thường được dùng để chỉ phương pháp châm (châm là dùng dùng kim nhọn tác động vào huyệt vị trên cơ thể, cứu là dùng lá ngải cứu hơ trên huyệt). Châm cứu ngày nay phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài các phương pháp châm truyền thống như hào châm, thể châm, có nhiều phương pháp châm mới như đầu châm, diện châm, nhĩ châm, tỵ châm, thuỷ châm, laser châm, điện châm, châm tê, mãng châm, cấy chỉ…

Mỗi phương pháp có ưu điểm riêng đối với từng mặt bệnh, sẽ được các thầy thuốc cân nhắc áp dụng đối với mỗi bệnh nhân cụ thể. Đây là phương pháp an toàn và đã chứng minh được tác dụng tốt qua nhiều công trình nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

Tác dụng của châm cứu: giảm đau, giảm co thắt cơ, điều chỉnh các rối loạn bệnh lý của tạng phủ tương ứng trong cùng tiết đoạn, gây những biến đổi về thể dịch và nội tiết, thay đổi các chất trung gian hóa học, tăng số lượng bạch cầu, tăng tiết opiat nội sinh gây giảm đau, tăng tiết kích thích tố, tăng số lượng kháng thể…

Chỉ định điều trị:

- Các bệnh lý cơ xương khớp: thoái hoá các khớp, đau cơ do lạnh, đau các khớp do chấn thương hoặc sai tư thế, thoát vị đĩa đệm cột sống, hỗ trợ điều trị viêm cột sống dính khớp…

 - Các bệnh lý thần kinh: phục hồi di chứng cho bệnh nhân sau đột quỵ não, tổn thương tuỷ sống, viêm đa dây thần kinh, liệt thần kinh VII ngoại vi, zona  …

- Các triệu chứng gây ra do thiểu năng tuần hoàn não như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, rối loạn giấc ngủ (ngủ kém, mất ngủ),…

- Phục hồi các rối loạn cơ năng sau sinh đẻ, sau phẫu thuật vùng ổ bụng hoặc sau hoá trị, xạ trị như nôn, nấc, bí tiểu, bí đại tiện, giảm béo …

- Chắp, lẹo mắt; ngạt mũi, viêm mũi dị ứng; đau răng; …

1.1 Hào châm

Hào châm là phương pháp sử dụng kim nhỏ có thân rất nhỏ, mũi kim nhọn, dài ngắn khác nhau từ 4-6cm để châm vào huyệt trên cơ thể nhằm mục đích phòng và trị bệnh.

Phương pháp hào châm

1.2 Mãng châm

Mãng châm là hình thức kết hợp giữa trường châm và cự châm cổ điển trong Thiên Cửu Châm (sách Linh Khu).

Kỹ thuật mãng châm là kỹ thuật dùng kim to, kim dài châm theo huyệt đạo tức là châm xuyên từ huyệt này sang huyệt kia trên cùng một đường kinh hoặc trên hai đường kinh khác nhau có tác dụng điều khí nhanh, mạnh hơn nên có tác dụng chữa các chứng bệnh khó như chứng đau, chứng liệt…

Kim châm trong sử dụng mãng châm là kim có độ dài từ 15cm, 20cm, 30cm có thể tới 60cm, và đường kính từ 0,5 đến 1mm. Tùy từng huyệt đạo trên cơ thể mà ta có thể sử dụng các kim châm có độ dài tương ứng.

Phương pháp mãng châm

1.3 Điện châm

Điện châm là phương pháp dùng một dòng điện nhất định tác động lên các huyệt châm cứu để phòng và chữa bệnh. Dòng điện được tác động lên huyệt qua kim châm, hoặc qua các điện cực nhỏ đặt lên da vùng huyệt. 

Đây là phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu (của y học cổ truyền) với phương pháp chữa bệnh bằng dòng điện (của y học hiện đại) dùng kết hợp mãng châm, đầu châm, hào châm…

Phương pháp điện châm

Y sĩ Y học cổ truyền đang thực hiện kỹ thuật điện châm tại khoa

1.4 Đầu châm

Phương pháp châm ở đầu (chính xác hơn là châm ở da đầu) là một phương pháp mới kết hợp giữa lý luận  tác dụng của từng vũng não của y học hiện đại với phương pháp châm của y học cổ truyền.

Phương pháp đầu châm

1.5 Nhĩ châm

Nhĩ châm hay còn gọi là châm loa tai, tức là dùng kim châm, châm vào những điểm mẫn cảm trên loa tai, rồi vê kim bằng tay hoặc lưu kim châm ở loa tai.

Sơ đồ nhĩ châm

1.6 Diện châm

Diện châm là phương pháp châm ở mặt để phòng và trị bệnh vùng mặt và toàn thân như châm liệt dây thần kinh số V,VII…

Phương pháp diện châm

1.7 Lazer châm

Lazer châm là sử dụng ánh sáng đơn sắc phát ra từ một thiết bị laser công suất thấp (<=250 mW) chiếu vào các huyệt trên hệ thống kinh lạc giúp cơ thể lập lại thăng bằng âm - dương nhằm mục đích điều trị và phòng bệnh.

Phương pháp lazer châm

2. Cứu

Phương pháp cứu là một phương pháp độc đáo đã có từ xa xưa, xuất phát từ nền y học cổ truyền Trung quốc, nó được kết hợp giữa dùng thuốc là lá ngải và không dùng thuốc là đốt nhiệt, để đưa sức nóng này đi vào huyệt đạo để làm thông kinh mạch, trừ hàn thấp bên trong cơ thể, từ đó giúp cơ thể vận hành bình thường trở lại.

Phương pháp cứu

3. Chườm dược liệu

Chườm dược liệu là phương pháp chườm nóng qua dược liệu. Dược liệu sẽ được làm nóng bằng lò vi sóng, điện, hay xào trên bếp rồi cho vào túi vải chườm lên vị trí cần điều trị.

Đây là phương pháp chữa bệnh có lịch sử lâu đời và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Phương pháp này đơn giản dễ làm, có tính an toàn cao mà hiệu quả lại nhanh chóng, mang lại cảm giác dễ chịu, rất được nhiều người yêu thích.

Phương pháp này kết hợp tác dụng của nhiệt nóng và tác dụng của thảo dược, làm thông kinh mạch, giảm đau, giãn cơ, tăng tuần hoàn tại chỗ.. nhanh chóng xoa dịu các cơn đau mỏi.

 Chỉ định điều trị các chứng bệnh do hàn tà gây nên như đau khớp dạng thấp mạn, đau dạ dày, đau bụng do lạnh, ngực bụng đầy trướng, đại tiểu tiện không thông...

Dược liệu được làm nóng rồi cho vào túi

Chườm túi dược liệu nóng lên vùng cần điều trị

4. Cấy chỉ

Cấy chỉ là phương pháp đưa một đoạn chỉ tự tiêu (catgut) vào huyệt vị thích ứng, gây kích thích liên tục ở kinh huyệt để chữa bệnh.

Cấy chỉ được đánh giá là phương pháp trị liệu có hiệu quả rất cao nhờ kết hợp giữa châm cứu truyền thống với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Với phương pháp châm cứu thông thường, bác sĩ châm kim vào huyệt vị và lưu kim 30 phút, kích thích chỉ tạo ra tại thời điểm châm cứu và kéo dài vài giờ đồng hồ sau đó nên bệnh nhân cần làm châm cứu hàng ngày. Nhưng với trị liệu cấy chỉ, đoạn chỉ catgut sẽ được đưa vào huyệt vị và lưu lại nhiều ngày, tạo ra kích thích liên tục nên tác dụng kéo dài hơn và bệnh nhân không phải đến làm thủ thuật hàng ngày.

Cấy chỉ phù hợp với những người có bệnh mạn tính sau liệu trình điều trị bằng châm cứu, ra viện chờ liệu trình tiếp theo, hoặc người bệnh không có điều kiện đến châm cứu hàng ngày.

Chỉ định của cấy chỉ:

- Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng,

- Thoái hóa cột sống cổ, thắt lưng, gối, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, đau nhức xương khớp, hội chứng đau và hạn chế vận động cổ, vai, cánh tay…

- Liệt thần kinh VII ngoại biên, tai biến mạch máu não…

- Suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ …

- Bí tiểu tiện, táo bón…

- Giảm béo

Phương pháp cấy chỉ

 

5. Xoa bóp bấm huyệt

Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với sự chỉ đạo của lý luận Y học cổ truyền. Đặc điểm của nó là dùng bàn tay, ngón tay là chính để tác động lên huyệt da thịt gân khớp của người bệnh, nhằm đặt tới mục đích phòng bệnh và chữa bệnh.

Ưu điểm là giản tiện, rẻ tiền có hiệu quả, có phạm vi chữa bệnh rộng, có giá trị phòng bệnh lớn.

IV. HOẠT ĐỘNG KHÁC

Khoa còn là nơi thực hành lâm sàng cho sinh viên các trường có đào tạo khối ngành sức khỏe như Cao đẳng Y tế Khánh Hòa, Cao đẳng Y tế Nam Việt, Đại học Thái Bình Dương…các học viên các tuyến huyện xã gửi về, các học viên thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, giúp các em vững vàng trong chuyên môn.

Phòng điều trị bệnh nhân nữ

Phòng điều trị bệnh nhân nam

Tập thể khoa Châm cứu - Dưỡng sinh đoàn kết

 

CHUYỂN ĐỔI SỐ

abc

ĐƯỜNG DÂY NÓNG

ZBC

ĐĂNG KÝ KCB

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH